Thông tin Roman Abramovich quyết định bán Chelsea đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên huy hoàng của câu lạc bộ. Nhiều người hâm mộ The Blues đang lo sợ điều tồi tệ nhất cho đội bóng. Đó là sa sút chuyên môn dưới tay các ông chủ Mỹ như tình hình ở Man United.
Đội chủ sân Stamford Bridge đối mặt với một tương lai không chắc chắn sau khi tỷ phú người Nga chính thức thông báo bán Chelsea. Abramovich đang tìm cách tránh các lệnh trừng phạt của Vương quốc Anh đối với các nhà tài phiệt Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra.
Theo Daily Mail, Abramovich đang muốn bán câu lạc bộ cho một nhà tài phiệt người Mỹ. Ông đã chỉ thị cho Tập đoàn Raine của Mỹ xử lý vụ mua bán này. Trên thực tế, CLB đã được rao bán kể từ năm 2018, khi vấn đề thị thực của Abramovich ở Anh bắt đầu rắc rối.
Trong khi chờ đợi một lời đề nghị cụ thể, NHM của Chelsea đang ngày càng lo lắng về tương lai của đội bóng sau khi ông chủ người Nga ra đi.
Abramovich đã mang lại giai đoạn thành công nhất trong lịch sử của câu lạc bộ trên sân cỏ. Họ đã giành 5 chức vô địch Premier League kể từ khi ông tỷ phú người Nga đến vào năm 2003, bên cạnh đó là 2 chức vô địch Champions League.
Tổng cộng, 21 danh hiệu đã được mang về trong nhiệm kỳ của Abramovich. Đáng chú ý, trong toàn bộ thời kỳ trước đó, The Blues chỉ có 13 danh hiệu.
Không chỉ mất đi điểm tựa lớn lao để mơ về các danh hiệu tiếp theo, NHM Chelsea còn lo rằng việc giữ được vị thế như hiện tại cũng đã là điều cực khó.
Abramovich đã mang về vô số danh hiệu cũng như biến Chelsea thành một thế lực với dàn sao thượng thặng
Sự khác biệt của kỷ nguyên Abramovich so với toàn bộ lịch sử Chelsea trước đó là sự hỗ trợ tài chính khổng lồ để mang về những HLV danh tiếng cùng các bản hợp đồng chất lượng.
Theo dữ liệu từ transfermarket, Chelsea đã chi khoảng 1,6 tỷ bảng cho các vụ chuyển nhượng kể từ năm 2003. Số tiền họ chi ròng cho các cầu thủ là 704 triệu bảng, trung bình 41 triệu bảng một mùa. Chỉ có Manchester City có mức chi tiêu cao hơn trong cùng thời kỳ.
The Blues đã phá kỷ lục chuyển nhượng của chính họ tới 9 lần trong khoảng thời gian đó, bao gồm cả 3 mùa giải gần nhất sau sự xuất hiện của Kepa Arrizabalaga, Kai Havertz và Romelu Lukaku.
Nhiều người cho rằng khả năng chi tiêu như vậy sẽ trở thành dĩ vãng, đặc biệt là khi Chelsea được mua lại bởi các ông chủ người Mỹ. Cứ nhìn vào cách các CLB tại Premier League chật vật như thế nào sau khi rơi vào tay họ là đủ biết.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của những người hâm mộ The Blues là đội bóng sẽ rơi vào tay của một ông chủ giống như nhà Glazer tại Man United. NHM của Quỷ đỏ đã cáo buộc nhà Glazer đã dùng MU làm công cụ kinh doanh và trả nợ cho họ từ khi mua lại vào năm 2005.
Vào thời điểm đó, Man United được cho là tài sản quý giá nhất trong thế giới bóng đá. Với tầm vóc tương tự như Chelsea bây giờ, Quỷ đỏ là thế lực thống trị của bóng đá Anh. Nhưng từ sau sự xuất hiện của các ông chủ người Mỹ, thành tích của họ dần đi xuống.
Không chỉ có những vụ đầu tư thiếu khôn ngoan, nhà Glazer còn thường xuyên hút máu câu lạc bộ và chỉ quan tâm tới lợi nhuận. Họ cũng không thèm nâng cấp sân Old Trafford, nơi từ lâu đã cần được cải tạo.
NHM của MU đã nhiều lần phản đối nhà Glazer dưới nhiều hình thức, từ các cuộc biểu tình trên đường phố tới vụ tràn vào sân ngăn cản trận đấu với Liverpool hồi tháng 5/2021.
CĐV Chelsea đang lo lắng sẽ phải xuống đường biểu tình chống lại các ông chủ giống như CĐV MU với nhà Glazer
Đó là những viễn cảnh mà các CĐV Chelsea giờ sẽ sợ nhất. Họ đã tổ chức các cuộc biểu tình của riêng mình vào tháng 5 năm ngoái khi câu lạc bộ tham gia cùng các đội bóng hàng đầu khác của Premier League trong nỗ lực hình thành European Super League.
Đó là lần duy nhất mà các CĐV của Chelsea biểu tình phản đối trong kỷ nguyên Abramovich. Họ sẽ hy vọng chúng không xảy ra thường xuyên hơn sau khi thay đổi chế độ.
Các vấn đề ở sân Old Trafford của Man United cũng có thể xảy ra với Chelsea. Báo chí Anh tiết lộ rằng CLB sẽ tiêu tốn 2,2 tỷ bảng để tái phát triển Stamford Bridge - một mức tăng đáng kể so với ước tính ban đầu là 1 tỷ bảng. Các động thái nâng cấp sân vận động đã nằm trong suy nghĩ từ lâu của Abramovich nhưng đã bị gác lại cùng thời điểm vấn đề thị thực của ông gặp rắc rối.
Thay vào đó, câu lạc bộ chỉ còn lại một sân vận động có sức chứa 41.800, hoạt động kém hơn đáng kể về doanh thu trong ngày thi đấu khi so sánh với các đối thủ Big Six của họ ở Premier League.
Với mức giá yêu cầu của Abramovich, mong muốn của bất kỳ chủ sở hữu mới nào theo đuổi việc mở rộng sân vận động trong ngắn hạn hoặc trung hạn có thể là điều khó thành hiện thực.
Tất nhiên vẫn có những câu chuyện thành công liên quan đến đầu tư của người Mỹ vào Premier League. Đó là việc John W. Henry dẫn dắt Liverpool khôi phục lại những vinh quang trước đây của những năm 1970 và 1980 ở đỉnh cao của bóng đá Anh.
Tuy nhiên, người hâm mộ Liverpool cũng sẽ không quên sự khủng khiếp của triều đại Tom Hicks và George Gilett. Người hâm mộ Arsenal cũng nhiều lần muốn tống cổ Stan Kroenke. Điều này cho thấy một ông chủ như Henry tại Liverpool có thể chỉ là ngoại lệ.